Kẹt xe, đường xá quá tải, ô nhiễm ...là những vấn đề luôn được quan tâm, đặc biệt ở các đô thị đang phát triển mạnh như Bình Dương. Bằng giải pháp hỗ trợ toàn diện, chuyên sâu, có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp, Đề án “Xe buýt xanh tại Bình Dương" hứa hẹn sẽ có nhiều đổi thay quan trọng trong công tác vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, hướng đến đô thị Bình Dương thông minh, thân thiện, an toàn và văn minh. Là địa điểm đến "an cư lập nghiệp" lý tưởng cho mọi người.
Giải pháp hỗ trợ
Dựa trên kết quả khảo sát nghiên cứu tại một số địa phương, Sở Giao thông - Vận tải đã đề xuất giải pháp kéo giảm chi phí, hỗ trợ chính sách cho xe buýt xanh hoạt động, như: Miễn tiền thuê đất để xây dựng trạm sửa chữa, bảo dưỡng, bãi đỗ xe cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng; hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn, kể cả vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để doanh nghiệp mua sắm, đổi mới phương tiện; miễn giảm thuế nhập khẩu... Các giải pháp này cơ bản phù hợp với nguyện vọng của một số doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách công cộng.
Vì vậy, đề án nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng nếu được hỗ trợ thì nên quan tâm đến 2 vấn đề chính là: Nâng cao chất lượng quản lý theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại một cách đồng bộ song song với việc nâng cao đời sống, thu nhập của những người lao động trực tiếp và gián tiếp của chung cả hệ thống chứ không riêng gì người lái, nhân viên phục vụ...
Đề án phải “thông minh
Trực tiếp chủ trì nghe lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải trình bày Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh không có xe buýt thì không thể có đô thị. Các nước như Anh, Nhật Bản, Singapore... nhờ có sự hỗ trợ mạnh cho xe buýt mà đô thị của họ rất an toàn, văn minh, tiện lợi, đặc biệt là xe buýt xanh. Bình Dương đang xây dựng thành phố thông minh thì Đề án xe buýt xanh được triển khai sẽ nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng thông minh, bằng cách ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại nhằm mang lại tiện tích tốt nhất cho người dân. Cụ thể là phải có đầy đủ nhà chờ, trạm dừng đỗ theo đúng quy định, không để hành khách phải đi bộ quá xa hoặc xe buýt buộc phải đón trả khách không đúng quy định do không có điểm dừng đỗ trên đường.
Ông Liêm cũng lưu ý, hiện nay, phần lớn người dân đã sử dụng điện thoại thông minh. Qua thiết bị này, hành khách phải biết: Còn mấy phút nữa xe buýt sẽ đến trạm đón mình; xe buýt đón mình là xe buýt màu gì, tuyến số mấy; di chuyển trên xe buýt mất mấy phút để đến được nơi cần đến... Do vậy, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành hành khách công cộng cũng phải làm tốt chức năng thông tin, hướng dẫn. Ví dụ, phải kịp thời thông báo những điểm kẹt xe, đang kẹt xe, sự cố, tại nạn... để các phương tiện tham gia giao thông tìm cách né tránh, góp phần sớm giải tỏa ùn tắc theo hướng thông minh, hiệu quả.
Nguồn: Báo Bình Dương