Virus Corona - Covid19 đang ngày càng lan rộng ra hầu hết các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên Thế Giới. Mức độ lây lan nhanh chóng cùng tỷ lệ tử vong ngày càng cao. Hơn 20 triệu người đã nhiễm và hàng trăm nghìn người tử vong cho thấy sự nguy hiểm của 2019-nCoV. Việc tuân thủ các khuyến nghị của Bộ Y tế, hiểu rõ về các triệu chứng của Covid-19 không chỉ bảo về bản thân, gia đình mà còn giúp đất nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
1. Các triệu chứng của Virus Corona chủng mới
Các triệu chứng của COVID-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCOV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp.
Các triệu chứng thường gặp của Virus Corona chủng mới
Các triệu chứng ít gặp của Virus Corona chủng mới
Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh nền.
Hiện tại trên Thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như là vắc xin 2019-nCoV. Tuy nhiên các nước vẫn đang nghiên cứu để tìm ra các hướng điều trị đặc hiệu và thử nghiệm lâm sàn cho các bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV.
2. Virus Corona chủng mới (2019-nCoV, SARS-CoV-2, Covid-19) là gì?
Virus Corona là gì?
Theo Bộ Y Tế, Virus Corona chủng mới (còn được gọi với các tên như 2019-nCoV, SARS-CoV-2, Covid-19) là 1 loại vi rút đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Vi rút này là chủng vi rút mới chưa được xác định trước đó.
Virus gây viêm đường hô hấp cấp Covid-19
Tình hình dịch bệnh Covid hiện nay tại Thế Giới và Việt Nam?
Số ca nhiễm Covid-19 thống kê mới nhất đến ngày 21/08/2020 Thế giới có 22.515.213 ca nhiễm virus 2019-nCoV, 14.381.048 ca hồi phục, 789.825 ca tử vong.
Top 10 quốc ca có ca nhiễm nhiều nhất Thế Giới
Số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có 1.007 ca nhiễm, 542 ca phục hồi và 25 ca tử vong. Tâm điểm dịch hiện nay là các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng và Quảng Nam. Phần lớn các ca nhiễm gần đây tại Đà Nẵng xuất phát từ 3 bệnh viện lớn, đó là Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Top 10 tỉnh thành có ca nhiễm cao nhất nước
Hiện tại tình hình dịch ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang được kiểm soát. GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết ổ dịch ở Đà Nẵng khởi phát vào đầu tháng 7/2020.
Qua xét nghiệm ở thành phố Hà Nội, TPHCM và một số cơ sở y tế lớn cũng chưa phát hiện các ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng, trừ các ca liên quan đến Đà Nẵng. Như vậy, chưa có bằng chứng để khẳng định dịch bệnh lây nhiễm rất mạnh ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, qua phân tích gen của virus gây bệnh trên các bệnh nhân, có thể khẳng định đây là nguồn mới xâm nhập, từ 1 điểm phát ra (khu 3 bệnh viện ở Đà Nẵng). Do virus lần này đã đột biến, dẫn tới tình trạng lây nhiễm trong gia đình, lây nhiễm chéo cao.
3. Nguồn gốc của Virus Corona chủng mới
Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của 2019-nCoV. Nhiều ý kiến cho rằng, vi rút Corona là một betacoronavirus, thuộc họ với vi rút gây hội chứng MERS-CoV và hội chứng SARS, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ là loài dơi. Được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.
Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) là một bệnh hô hấp truyền nhiễm có thể dẫn đến tử vong, gây ra bởi một chủng coronavirus có tên là SARS-CoV.
SARS đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 10 năm 2002. Tuy nhiên nhờ sự hợp tác của bác sĩ trên thế giới, từ năm 2004 SARS đã hoàn toàn được kiểm soát mức độ lây lan của mình.
COVID-19 cùng họ với virus gây Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) nhưng không phải là cùng một loại virus.
4. Cơ chế lây lan của Virus Corona chủng mới
Vi rút này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục.
Cơ chế lây lan của 2019-nCoV
5. Ai dễ bị mắc chủng mới của vi rút Corona?
Những người sinh sống hoặc đi đến khu vực có virus 2019-nCoV đang lưu hành là có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhân viên y tế chăm sóc cho người nhiễm 2019-nCoV có nguy cơ cao hơn và phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp dự phòng và kiểm soát lây nhiễm.
Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc chủng mới của vi rút Corona. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn.
6. Phân biệt Corona chủng mới với cảm lạnh và cúm
Cách phân biệt Covid-19 với các loại cảm, cúm thông thường:
Phân biệt Covid-19 với các loại cảm, cúm thông thường
=>>> 1 cách dễ dàng phân biệt sự khác nhau giữa bệnh cúm thông thường và bệnh Covid-19 đó là người mắc bệnh cúm thông thường hay có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi. Nhưng với Covid-19, thông thường người bệnh chỉ có ho, ho khan, ho dai dẳng và sốt.
Ngoài ra, một điều khác biệt nữa là bệnh nhân Covid-19 phải có yếu tố dịch tễ, thông thường là phải tiếp xúc với người bị nhiễm, nghi nhiễm và về từ vùng dịch.
7. Cách bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội khỏi virus Corona
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019-nCoV, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
Các biện pháp phòng ngừa Covid-19
Đeo khẩu trang là 1 trong những biện pháp hữu hiệu phòng chống Covid-19, tuy nhiên phải đeo khẩu trang đúng cách thì khẩu trang mới phát huy đúng công dụng, giúp mọi người phòng dịch và không gây lãng phí tiền bạc của nước nhà.
Hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách phòng covid-19
=>>> Đặc biệt vào ngày 18/04/2020 vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) và Bộ Y tế vừa ra mắt ứng dụng Bluezone - khẩu trang điện tử.
Đây là giải pháp được các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển nhằm bảo vệ cộng đồng, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đơn vị phát triển chính là BKAV, ngoài ra còn có các doanh nghiệp như Memozone, VNPT, MobiFone.
Bluezone là ứng dụng công nghệ Bluetooth để xác định vùng an toàn. Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao nhiêu lâu.
Hướng dẫn cách sử dụng phần mềm Bluezone phòng chống dịch bệnh
Ví dụ đơn giản để hiểu cách thức hoạt động và lợi ích của Bluezone:
Nếu A (đã cài Bluezone) có xét nghiệm dương tính với nCoV, số điện thoại của A sẽ được ghi lại và báo về trung tâm điều hành, trung tâm sẽ cập nhật số điện thoại A, đánh dấu đã "dương tính Covid-19".
Ngay lập tức, những ai (đã cài Bluezone) từng tiếp xúc gần với A dưới 2m trong 14 ngày gần nhất đều nhận được thông báo "Bạn đang là F1 vì bạn từng tiếp xúc gần A"
Những người khác tiếp xúc gần với Bạn (nhưng không tiêp xúc ông A) sẽ nhận được thông báo "Bạn là F2 do tiếp xúc gần F1...". Chỉ vậy thôi đã tiết kiệm bao nhiêu tiền của và công sức của bao nhiêu người.
- Những người đến và đi từ vùng dịch
Những người từ vùng dịch trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan y tế sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.
Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến vùng dịch trong thời gian xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona nCoV. Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
8. Có thể liên hệ thông báo thông tin bằng cách nào?
Bộ Y tế công bố 02 số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Viêm đường hô hấp cấp do COVID-19: 1900 3228 và 1900 9095.
Cùng với đó, 21 đường dây nóng của các Bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV:
Đường dây nóng các Bệnh viện có cơ sở theo dõi, điều trị cách ly bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm nCoV
Hoặc có thể liên hệ trực tiếp qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương.
9. Làm thế nào để kiểm tra một người có nhiễm Corona?
Các kiểm tra chẩn đoán chính xác nCoV chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm.
Kỹ thuật xác định chủng nCoV đó gồm kỹ thuật Giải trình tự gene thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) và kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.
Trong trường hợp người mới nghi nhiễm vi rút Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
👉Mọi người cùng chung tay bảo vệ bản thân, gia đình là đang góp phần bảo vệ xã hội đất nước trước sự bùng nổ lần 2 của dịch Covid-19 tại Việt Nam. Hạn chế ra đường, tụ tập nơi đông người nếu không thật sự cần thiết. Tuân thủ các khuyến nghị của Bộ y tế về phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh 2019-nCoV.👈
Let Us Know What You Thought about this Post.
Put your Comment Below.